Sunday, October 28, 2018

Thư ngỏ gởi Người Lính Già Oregon Nguyễn Kim Qúy,

Thưa ông Người Lính Già Oregon Nguyễn Kim Qúy,

Mấy hôm nay tôi nhận được nhiều lần bài viết có tiêu đề là KIM TUYẾN, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ do ông viết và luân lưu trên liên mạng.

Trong bài viết của ông có một đoạn ông viết về tôi, Ngô Minh Hằng như sau:

Trích:
"Bữa tiệc kéo dài, nhưng chưa tàn (tàn thế nào được?) vì còn nhiều món chưa ai đụng đũa và chuyện còn đầy. Không hiểu lan man thế nào mà nhà thơ Ngô Minh Hằng tình cờ được đề cập đến. Bà này làm thơ tố Cộng (nhưng tôi không quen, không đọc nên không biết thơ bà hay dở ra sao), đang tỵ nạn ở Mỹ, được người khen kẻ chê khá ồn ào trên Mạng Ảo. Hồng Vân cho bàn tiệc biết, chồng cũ của bà này là một cựu SVSQ/ĐHCTCT đồng khóa 1 của các anh hiện diện, tên là Trần Văn M…, đang còn sống, trong lúc vô tù cải tạo bị bà bỏ rơi, ôm cầm sang thuyền của một cán bộ tên L… Dĩ nhiên, điều này là một khám phá mới mẻ, tuy không liên quan, đối với tôi, nhưng tôi cũng kể lại, với sự đồng ý của Hồng Vân, vì ông chồng cũ là một cựu SVSQ/NT1, và vì thấy có ích cho các Netizens khi cãi vã về lý lịch trích dọc trích ngang của thi sĩ đang lên NMH. Thế thôi."  Ngưng trích.

Đoạn này ông viết về tôi theo ý ông và qua những gì ông nghe được trong bàn tiệc. Tôi thường nghe nói là tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Ông nói đúng. Chúng ta chưa biết nhau. Chưa biết nhau mà ông đã vội vàng gom những điều xấu xa ông nghe về tôi trong bữa tiệc kéo dài, không cần kiểm chứng rồi tung ra công chúng. Một số người đã mau mắn tiếp tay ông chuyển tới chuyển lui trên các DĐ. Ông chưa đọc thơ tôi, ông không quen biết tôi,  vâng, thưa ông không sao, xin mời ông gõ ba chữ Ngô Minh Hằng, đọc vài bài thơ mọn, hay thì tôi không dám nói, nhưng chắc chắn là ông sẽ tìm thấy tinh thần VNCH bất di bất dịch trong thơ và hy vọng từ đó, ông sẽ thấy mặt trái của tấm huy chương.

Những điều xấu xa ông nghe về tôi trong một bữa rượu, ông viết: "điều này là một khám phá mới mẻ"  Thưa ông, điều ông cho là "một khám phá" đó nó KHÔNG MỚI MẺ đâu. Nó  CŨ XÌ, từng được chuyền tai từ người này qua người khác và  trên DĐ từ nhiều năm rồi.   Nhưng  khi ông, Người Lính Già Oregon chuyển đi thì tôi thấy hơi tiếc là một người viết nhiều bài chống cộng được nhiều người biết như ông lại đưa ra công chúng một câu chuyện nói xấu một người đàn bà không quen biết, nghe được trong tiệc rượu và không kiểm chứng. Giá như ông liên lạc với tôi, (dù ông không quen tôi nhưng bài ông viết có liên quan đến tôi) để kiểm chứng, cho tôi được trình bày với ông nội dung những lá thư của ông TVM viết cho tôi sau khi ông TVM đưa vợ con đến Mỹ, của người chị lớn của ông TVM là Chị K.viết cho tôi, báo tin là chị đã nhận quà và đã đưa lại cho ông TVM để có chút công bằng cho tôi thì tôi sẽ cảm phục ông nhiều lắm.

Nhưng thôi, chuyện đã xong.

Cầu chúc ông Người Lính Già Oregon luôn dồi dào sức khoẻ.

Ngô Minh Hằng






From: 'Andy Van' via banvang <banvang@googlegroups.com>

Sent: Saturday, October 27, 2018, 11:13:20 PM GMT+2
Subject:  Kim Tuyến






On Saturday, October 27, 2018, 1:52:49 PM PDT, 'hungthe' via PhucHungViet <PhucHungViet@googlegroups.com> wrote:
________________________________________________
From: Julien Bui wrote
Sent: Saturday, October 27, 2018 1:36 PM
Subject: Fwd: Kim Tuyến


KIM TUYẾN, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ…

người lính già oregon


      Tôi đâu ngờ có ngày được gặp lại, tại Portland, ca sĩ nổi tiếng Kim Tuyến và đức lang quân tài hoa, Nguyễn Hồng Vân, cựu SVSQ khóa 1 (còn gọi là NT, Nguyễn Trãi, 1) của Trường Đại Học CTCT Đà Lạt (ĐHCTCTĐL). Còn nhớ, ba mươi mốt năm trước đây (1987), từ University of Oregon, Eugene, nơi tôi đang dạy, và theo học chương trình Ph.D, bốn anh cựu SVSQ/NT 2 ở Portland, Dương Xuân Kính, Phạm Bá Hồi, Thái Minh Cẩn, và Trần Văn Phước, ghé cư xá Đại Học, cho tôi quá giang xe đi San José để tham dự Đại Hội Giúp Người Vượt Biển do Tổng Hội Ái hữu Cựu SVSQ/ĐHCTCTĐL đứng ra tổ chức. Sau Đại Hội, tối đó, anh em Portland và San José tụ họp tại nhà anh Nguyễn Quang Huy, NT 2, để nghỉ qua đêm và tiếp tục cuộc vui. Có Hùng Cường, Sĩ Phú, và Kim Tuyến, là những ca sĩ chính, được Ban Tổ Chức mời đến hát, cùng với những ca sĩ địa phương San Jose, cây nhà lá vườn, gồm những “quý nương” –đương kim bà xã hoặc người tình bè bỏng của các cựu SVSQ đang chập chờn bước vào tuổi hồi xuân. Thời gian ấy, tôi không hề viết, nói chi phổ biến, một bài tiếng Việt nào. Chỉ lo học và dạy, kiếm sống.
      Lần đầu tiên tôi được gặp trực tiếp và trò chuyện với Kim Tuyến, Hùng Cường, và Sĩ Phú, mặc dù đã nghe tiếng họ từ lâu, thời còn trong nước. Phải thú nhận, tôi vốn dị ứng với Hùng Cường, bởi những tiếng đồn không mấy tốt về anh, qua Fake News, phần lớn do ganh tỵ, đăng tải tại Việt Nam, trước 1975. Nhưng chỉ sau năm phút, thái độ dè dặt của tôi biến tan trước vẻ thân tình, khiêm cung và cách xưng hô lịch sự anh anh, em em của anh đã làm tôi cảm mến, cho đến lúc chia tay, sáng hôm sau. Kim Tuyến, lúc đó, tài sắc vẹn toàn, đang độ chín muồi, vô cùng rực rỡ, quý phái –mà bây giờ hương xưa còn thắm trên mắt môi, lần tái ngộ ở Portland, không như trong câu thơ của thi hào Đỗ Mục “Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc” (cf. bài “Thán hoa”, được Hoàng Hải Thủy dịch thành “Gió đời thổi mãi phai hương sắc”, tuyệt hay). Trong buổi văn nghệ bỏ túi đêm ấy tại nhà Huy, ba danh ca đã hát những bài đấu tranh, xen kẽ với những bài tình ca lãng mạn được cử tọa, đều là cựu SVSQ các khóa và gia đình, bạn bè, yêu cầu. Bài nào cũng xuất sắc. Thật danh bất hư truyền.
      Ba mươi mốt năm trôi đi, lặng lẽ như nước chảy qua cầu. Gặp lại nhau tình cờ, tại Portland, tất cả chỉ còn là dĩ vãng nhạt nhòa, bỗng trở về, quấn quýt. Vài người đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc chơi: Sĩ Phú, Hùng Cường, NT1 Đặng Phú Thiệt, NT2 Dương Xuân Kính, NT2 Trịnh Tùng… Để lại bao nhiêu kỷ niệm không tàn phai, cũng như tình nghĩa còn mãi trân quý.
    
      1. Quả vậy, trưa thứ sáu Oct. 12, cặp vợ chồng trẻ mãi không già Hồng Vân-Kim Tuyến đã đến Portland theo lời mời của Hội Không Quân Oregon tham dự cuộc Hội Ngộ thường niên có tên “Tổ Quốc và Không Gian” –được tổ chức vào tối hôm sau, vì Vân trước đây đã phục vụ Sư Đoàn 5 Không Quân trong chức vụ Sĩ Quan CTCT.  Tại Portland, anh là đồng khóa NT 1 với bốn anh, Nguyễn Lương Tâm (đương kim Hội trưởng, MC chính thức và hoạt bát của Cộng Đồng Oregon), Đào Mỹ (nhà-Trump-học sáng giá không thua Ngụy Vũ, Vũ Linh), Vũ Ngọc Hải (người kể chuyện đời xưa và đời nay rất có duyên), và Nguyễn Văn Toàn (thợ lặn miền Salem). Cho nên, nhân tiện, anh chị cũng đã gặp gỡ, sinh hoạt với bốn ông bạn đồng môn ở tít mãi tiểu bang Oregon nhà quê, sương gió tơi bời, xanh lè những Damn-K-Rats, mà tôi xem là ultra-liberal một cách rất quái đản (ví dụ, ra đạo luật doctor-assisted suicide cho phép, hoặc bắt buộc, các bác sĩ trợ giúp tự tử khi được yêu cầu, hoặc phụ nữ bất kể giàu nghèo được phá thai bằng tiền thuế của dân v.v…), chỉ thua một California đầm lầy (swampy, nghĩa bóng), ồn ào, gió tanh mưa máu, là nơi anh chị đang trú ngụ cùng với các con, nay đã lớn.
      Trong thời gian thăm viếng Portland, anh chị ở nhà Đào Mỹ, khu Happy Valley, Thung Lũng Hạnh Phúc. Gọi là “thung lũng”, nhưng kỳ thực đó là những ngọn đồi cao, dành cho các đại gia. Và tối ấy, anh chị “đại gia” Mỹ, rất hiếu khách, đã tổ chức một bữa tiệc mừng, vô cùng “chất lượng”, để khoản đãi vợ chồng anh bạn cũ Đà Lạt, với sự hiện diện của anh chị Tâm, anh Hải (anh Toàn vì bận không đến được). Tôi vốn là bạn lâu năm, ít nhiều thân tình, của các anh và là sĩ quan cơ hữu của Trường, kiêm hội viên danh dự không thường trực của Hội Ái Hữu Cựu SVSQ/ĐHCTCT Oregon, mặc dù chỉ đổi về phục vụ Trường từ khóa 4 trở đi, tức đầu năm 1973, nghĩa là tại Đà Lạt tôi không hề biết anh em các khóa 1, 2, 3. Tuy vậy, cũng được mời đến dự tiệc (ké?), cùng với bà xã, Loan, mà một ông bạn vàng đã đặt cho nickname Loan Mắt Nhung, nhân vật trong một truyện của Nguyễn Thụy Long.
      Mới vào, thấy ngay trên bàn tiệc, gần cửa, bày biện nhiều món ăn rất thịnh soạn, thơm phức. Không khí vui vẻ, thân tình. Loan được săp xếp ngồi cạnh Kim Tuyến, còn tôi, kế bên Hồng Vân. Mở đầu, bằng những câu thăm hỏi thường tình, có tính cách xã giao, từ mọi người. Sau đó, bất ngờ Kim Tuyến hỏi cả bàn tiệc: “Tôi có đọc những bài của Người Lính Già Oregon. Anh chị ở đây có biết ông ta là ai không?” Tất cả đồng loạt chỉ vào tôi và nói: “Đó, đó, ổng ngồi bên anh Vân đó”. Hồng Vân bắt tay tôi. Kim Tuyến bèn tâm sự: “Tôi là người ái mộ NLGO. Lúc đầu, được đọc một bài của anh, đăng trên Mạng, chửi những ca sĩ đồng nghiệp của tôi, đã trở về Việt Nam ca hát, gọi họ là xướng ca vô loại, nói thiệt tôi bị sốc. Sau suy nghĩ lại, thấy anh chửi quá đúng và chửi những đồng nghiệp trở cờ của tôi giùm cho tôi. Bây giờ tôi là một fan của NLGO.” Tôi lắng nghe, vừa hãnh diện vừa ngạc nhiên được một người ái mộ, mà lại là một nữ ca sĩ tài danh, chống Cộng thứ thiệt, cùng mình, từ phương xa đến, phát biểu và khen ngợi một cách đơn sơ, bộc trực như thế. Gật đầu chào Kim Tuyến, tôi nói khẽ lời cám ơn, và lòng thấy lâng lâng vui, trong một chiều lạ thường, tại Happy Valley, như một đặc ân của Thượng Đế, và chợt nhớ một câu thơ của Albert Samain, đã làm rung động trái tim: “Il est d’étranges soirs où les fleurs ont une âme” (Có những chiều lạ lùng mà những cánh hoa có một linh hồn). Linh hồn của hoa mềm như tơ liễu.
      Càng vui và hứng khởi thêm, khi được gia chủ Đào Mỹ rót rượu cognac Pháp đầy ly, chưa uống đã thấy môi say. Và nói nhiều, nói dẻo, nói hay. Được ăn những món thuần túy quê hương quen thuộc, như súp măng cua, tôm lăn bột, xà-lách trộn thịt bò, bánh nậm, xôi đậu xanh v.v… do chị Mỹ và các con nấu đãi, thì không còn gì tuyệt hảo hơn. Trong khi gió đêm bắt đầu thổi lạnh trên đồi, vừa đủ cho lòng thực khách ngất ngây, rộn rã với những bầy kỷ niệm đầy vơi lũ lượt kéo về, làm chật hồn nhớ. Càng lúc, chuyện kể càng rôm rả, với những đề tài khác nhau.
    
      Kim Tuyến bắt đầu câu chuyện với những ngày đầu, sau 30/4/1975, Việt Cộng vừa tiếp thu Sài Gòn và các văn nghệ sĩ bị lùa “tập trung học tập” trong một văn phòng của Tổng Cục CTCT. Đặc biệt, cô lên án Kim Cương, VC nằm vùng đội lốt nghệ sĩ, người được VC chỉ định làm lãnh đạo de facto, đứng điểm danh từng người và lên lớp kêu gọi giới văn nghệ sĩ cộng tác với chính quyền mới –đã “có công đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào một cách vinh quang”. Kim Tuyến, điếc không sợ súng, và được đồng nghiệp ưu ái phong là “phản động”, đã có những cuộc đấu khẩu, đôi khi quyết liệt, với đám cán bộ và những tên “Cách Mạng 30/4”, đeo băng đỏ, theo voi hít bã mía, bất kể sự can ngăn của “chú” Tùng Lâm. Cô ca tụng, đặc biệt, “hai anh” Duy Khánh và Hùng Cường, những nghệ sĩ chống Cộng quyết liệt. Sau đó, do yêu cầu, cô kể lại những chuyến vượt biên thất bại, nhưng may không bị bắt, để rồi đi lần chót, năm 1978, nhưng gần đến Mã Lai, thì thuyền đụng phải san hô, và có nhiều người chết.
    Tôi hỏi cô: “Tôi đọc trên Mạng, năm nào ả nghệ sĩ ‘hô hào đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào’ đó đang trên đường đi đến Phước Lộc Thọ, tại Westminster, bị một nữ ca sĩ Nam Cali chận lại và hỏi móc: ‘Ủa, Mỹ cút Ngụy nhào rồi, sao bà lại mò qua đây chi dzậy?’ Ca sĩ ấy có phải là Kim Tuyến?”. Cô gật đầu: “Đúng thế!”
      Bữa tiệc kéo dài, nhưng chưa tàn (tàn thế nào được?) vì còn nhiều món chưa ai đụng đũa và chuyện còn đầy. Không hiểu lan man thế nào mà nhà thơ Ngô Minh Hằng tình cờ được đề cập đến. Bà này làm thơ tố Cộng (nhưng tôi không quen, không đọc nên không biết thơ bà hay dở ra sao), đang tỵ nạn ở Mỹ, được người khen kẻ chê khá ồn ào trên Mạng Ảo. Hồng Vân cho bàn tiệc biết, chồng cũ của bà này là một cựu SVSQ/ĐHCTCT đồng khóa 1 của các anh hiện diện, tên là Trần Văn M…, đang còn sống, trong lúc vô tù cải tạo bị bà bỏ rơi, ôm cầm sang thuyền của một cán bộ tên L… Dĩ nhiên, điều này là một khám phá mới mẻ, tuy không liên quan, đối với tôi, nhưng tôi cũng kể lại, với sự đồng ý của Hồng Vân, vì ông chồng cũ là một cựu SVSQ/NT1, và vì thấy có ích cho các Netizens khi cãi vã về lý lịch trích dọc trích ngang của thi sĩ đang lên NMH. Thế thôi.
      Khi món chè đậu xanh tráng miệng được dọn lên bởi bà chủ, và cognac được tiếp tục rót vào ly bởi ông chủ, Loan Mắt Nhung của NLGO mở xắc tay, lôi ra một mini-micro dành để hát karaoke và một Ipad, và ân cần mời Kim Tuyến hát một bài, mở đầu cho một màn văn nghệ kiểu “mì ăn liền”, tại chỗ. Cô nhận lời ngay. Tôi thở phào, nhẹ nhõm, mừng cho bà vợ có máu mê văn nghệ “đột xuất”. Rủi thay, Ipad trục trặc, nên micro không phát tiếng. Thấy vậy, Kim Tuyến bèn hát chay, không micro, không nhạc đệm, một cách vui vẻ, tự nhiên, coi như không có việc gì xảy ra. Gặp một ca sĩ khó tánh, màn ca hát mì ăn liền đó sẽ bất thành.
      Trước khi chúng tôi ra về, Vân và Kim Tuyến mời tôi chiều mai đến nhà hàng Wong King dự cuộc họp mặt của Hội Không Quân. Vì lười lái xe và xuất hiện trước đám đông, tôi ngần ngại, và cuối cùng từ chối. Vân và Kim Tuyến cố thuyết phục. Cô nói: “Anh đi đi. Kim Tuyến sẽ giới thiệu với họ, anh là ông anh ở Portland của Kim Tuyến.” Vân cười cười, bồi thêm: “Phải đó, Nguyễn Kim Tuyến và Nguyễn Kim Quý trùng last name và trùng middle name thì ai mà không tin? Anh đi với tụi này cho vui.” Nguyễn Lương Tâm cũng bàn vô. Và Đào Mỹ offer đến đón tôi, như mọi bữa. Nghe bùi tai, và không muốn làm khó bạn bè, tôi OK, và nói: “Nhưng tôi sẽ đi một mình vì ngày mai bà xã phải đi làm”.

      2. Nhà hàng Wong King, 5PM. Bãi đậu chính và phụ đầy ngập xe, chỉ còn một chỗ trống nhỏ hẹp, trước hàng rào lưới che bức tường nhà bếp, vừa đủ cho chiếc Lexus đời mới gồ ghề của Đào Mỹ đậu kẹp sát nách hai chiếc xe khác, mà nếu tôi lái, sẽ đụng trước hoặc đụng sau, bên phải hoặc bên trái. Mỹ tối nay đã mặc quân phục đại lễ Hải quân Đại úy, trông rất oai vệ và “hoành tráng”. Mới tới thềm nhà hàng đã nghe xập xình tiếng trống, tiếng đàn từ bên trong vọng ra, mời mọc. Một đại diện Ban Tổ Chức mặc đồ bay đen, và những ái mộ viên, đã có mặt tại cửa để chào đón ca sĩ Kim Tuyến và phu quân, Đại úy Nguyễn Hồng Vân, đồng đội một thời của anh em trong Hội Không Quân Oregon. Tất cả tay bắt mặt mừng, rộn ràng cười nói. Rồi đến màn chụp hình chung kỷ niệm, không thể thiếu, mà tôi rất kỵ, rất sợ, rất né, bởi vì, quả thực, bây giờ tự thấy mình bóng đời đã nghiêng xế, đã vừa già vừa yếu, may chưa ngồi xe lăn, mười hai con giáp, trông không giống con nào. Cuối cùng cũng được lọt vào bàn có số dành riêng ghi trên vé, bên hông sân khấu, sau khi phải vượt qua một rừng người đến trước đã an tọa tại bàn của mình. Hội Không Quân Oregon gồm những thành viên, tuy không nhiều, nhưng rất lịch sự, hào hoa, hiếu khách, tiếp đón mọi người một cách vui vẻ, nồng hậu. Tổ chức buổi họp mặt tươm tất, kỹ lưỡng, nhịp nhàng, ít, hay không, sơ sót, hoặc thời gian chết (temps mort), từ ban nhạc, MC, đến chương trình, từ ca sĩ trình diễn đến toán quân quốc kỳ đến những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay tài tử, như Quang Trung của SBTN Portland, và Mary Nguyễn của Cộng đồng Oregon… Trong số quan khách, thấy có anh  Đoàn Kim Bảng, cựu sĩ quan Thiết Giáp, cựu chủ tịch Cộng Đồng Oregon, đương kim chủ bút Oregon Thời Báo và chủ tịch Hội Quân Dân Cán Chính Oregon, ngồi cạnh phu nhân. Có anh chị Đông Y sĩ Vũ Văn Thảo, “cặp đôi” khiêu vũ với những bước bolero lả lướt và điêu luyện. Có anh Phạm Quốc Nam, sĩ quan Hải Quân, thuộc Ban Chấp Hành Cộng Đồng Oregon. Có NT1 CTCT Nguyễn Văn Toàn, Salem, ngồi cạnh tôi.
      Tối ấy, sau lễ chào cờ VNCH và Hoa Kỳ, và mặc niệm tử sĩ, là lễ bàn giao chức vụ giữa hai tân và cựu hội trưởng. Tiếp theo là chương trình văn nghệ, gồm những bài hát có tính chiến đấu và lãng mạn, do những ca sĩ địa phương, mà tôi không nhớ tên, trình diễn. Ca sĩ Lệ Hải, mà người cậu ruột là con rể của ba mẹ tôi, không có mặt, nhưng đã tặng $200 cho tiệc vui, qua lời BTC, và được cử tọa vỗ tay nồng nhiệt, thay cho lời cám ơn công khai.
      Danh ca Kim Tuyến được mời lên sân khấu, với lời giới thiệu trang trọng của BTC. Cô đã bị mổ đầu gối ba lần, nên đi đứng khó khăn. Được phu quân dìu lên sân khấu. Được những người ái mộ đến tặng hoa và ôm hôn. Với giọng đầy xúc động, cô bày tỏ lòng biết ơn anh em Không Quân đã mời cô và anh Vân đến tham dự Đêm Hội Ngộ, và kể lại những kỷ niệm khi cô còn đi hát cho lính nghe (trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung ương?). Và cũng như tại nhà Đào Mỹ, tối hôm trước, cô giới thiệu tôi trước cử tọa, đại ý như sau: “Tôi đến tham dự cuộc vui tối nay, cùng với một người, mà tôi coi như anh, mà một bài viết về những ca sĩ đồng nghiệp của tôi đã về VN hát cho Việt Cộng nghe, đã làm tôi sốc, nhưng rất nể phục, vì đã chửi họ thay cho tôi, và chửi rất đúng. Người đó là Người Lính Già Oregon, tức là Giáo sư Tiến sĩ dạy môn Xã Hội Học tại trường ĐHCTCTĐL. Và là người tôi rất ái mộ.” Rồi quay về phía bàn tôi, cô vẫy tay, ngỏ ý mời đứng lên. Và tôi đã đứng lên, chào vái tứ phương. Một số quan khách tại Portland, đã đọc nhiều bài của NLGO, mà không biết là ai, đã đến tận bàn hỏi thăm tôi, như bà Hà, phu nhân của một cựu đại úy phi công và thân mẫu của một bác sĩ Portland. Hoặc anh Khánh, bạn của bạn tôi, Phạm Khắc Long, Canada, cả hai là cựu học sinh Võ Tánh, và đồng hương Nha Trang của tôi, đến xin chụp chung một tấm hình. Hoặc một vị lớn tuổi, không xưng tên, mà tôi đoán là một cựu HO, đến bắt tay tôi, nói: “Hân hạnh được biết mặt ông NLGO, tuy già mà trẻ, một cây viết chống Cộng bền bỉ”. Và trước họ tôi đứng lặng im, xúc động và hãnh diện, lòng thầm cám ơn Kim Tuyến, người từ San Diego đến Portland để giới thiệu một cư dân Portland, và miên man suy nghiệm về câu phương ngôn “bụt nhà không thiêng”, quá đúng, của cổ nhân.
      Sau đó, Kim Tuyến hát luôn hai bài để tặng khán giả mộ điệu, bài “Tìm anh” và bài “Những đóm mắt hỏa châu”, với giọng ca thiên phú, nghe ngọt ngào, đài các, truyền cảm, tròn đầy sức sống của một Kim Tước, thần tượng của tôi. Giọng ca Kim Tuyến không suy suyển so với thời trước 1975 tại Sài Gòn, hay cách đây ba mươi mốt năm tại San José. Cử tọa vỗ tay rào rào, và những đóa hoa tươi lại được đem lên trao tặng cô, một lần nữa.
      Tiếp theo, quan khách được BTC mời dùng cơm tối. Rồi nhạc khiêu vũ trỗi lên. Những “cặp đôi” lần lượt bước vào “sàn” nhảy. Còn lại chúng tôi ngồi nán nói chuyện, hay chụp hình, một lúc nữa, và ra về, từ giã cuộc vui đang tiếp diễn.

      3. Trước cửa nhà, bước xuống xe, tôi xin lỗi không thể mời các anh chị  ghé vào chơi, vì đêm đã đầy, và vì phòng khách có người anh của Loan Mắt Nhung mới từ Sài Gòn đến định cư mấy hôm, đồ đạc còn ngổn ngang, bề bộn. Tôi chào anh chị Mỹ, bắt tay Hồng Vân, và đến bên Kim Tuyến, xin phép được ôm hôn (hug) từ giã, nói lời cầu chúc hai vợ chồng Vân-Tuyến trở về San Diego bình an, và hẹn gặp lại nhau một ngày không xa. Đào Mỹ chờ bóng tôi khuất hẳn sau cổng, mới rồ máy cho xe chạy tiếp, về hướng ngọn đồi có tên Thung Lũng Hạnh Phúc…



Portland, thứ bảy Oct. 27, 2018
NLGO

No comments:

Post a Comment