Monday, April 15, 2019

Thư Kính Gởi Nhà Báo Hữu Nguyên, Nhà Văn Trần Nhật Kim , Đặc san Lâm Viên / ĐÁM MA TÙ



Kính Thưa Nhà Báo Hữu Nguyên, Ông Trần Nhật Kim, Đặc San Lâm Viên cùng Qúy vị quan tâm,
 
- Xin cảm ơn Ông Hữu Nguyên, với lương tâm và sự chân chính của một Nhà Báo, Ông đã giúp làm minh bạch vấn đề.
- Xin cảm ơn Nhà văn Trần Nhật Kim. Sự trả lời của Ông đã giải thích về bài thơ "Đám Ma Tù" rất rõ ràng, đíều duy nhất mà chúng tôi mong đợi.
- Xin cảm ơn Đặc San Lâm Viên chuyển thư.
 
Thưa nhà văn Trần Nhật Kim,
Cảm ơn Ông đã đồng cảm với bài thơ (nay Ông biết tên là Đám Ma Tù) và đã trích dẫn bài thơ ấy trong bài Ông viết: "Ký Ức Của Một Thời Cải Tạo".
 
Cũng xin cảm ơn Ông đã cho hay và tôi rất cảm kích để biết rằng bài thơ mọn ấy đã được Ông và những Anh Em Bạn Tù trong nhà tù CS chuyền đọc với nhau. 
 
Cùng thời điểm đó, tôi có thêm vài bài thơ nói về những NGƯỜI TÙ và tình cảnh của NGƯỜI VỢ TÙ, nhân tiện trong Tháng Tư, xin được chia sẻ cùng Ông và tất cả Qúy vị.
 
Tất cả những bài thơ này đã được in trong thi tập GỌI ĐÀN xuất bản năm 1998.
 
Kính chúc Nhà báo Hữu Nguyên, Nhà văn Trần Nhật Kim, Đặc San Lâm Viên và những Vị đã yêu qúy thơ văn, đã quan tâm và công tâm đóng góp ý kiến cho bài " Đám Ma Tù".
 
Trân trọng,
 
Ngô Minh Hằng
 
 
ĐÊM TÙ CỦA NGƯỜI CẢI TẠO
 

Ba gian mái rạ, vách bùn rơm
Tám chục tù nhân chẳng chiếu giường
Nền đất cỏn con, người một khoảng
Màn trời lồng lộng, gió mười phương
No nê dạ tiệc, bày muỗi, rệp
Vui vẻ hòa ca, lũ nhái, ương
Chỉ có NGƯỜI TÙ là khốn khổ ...
Đêm dài, bụng rỗng, lạnh da, xương !
 
 
Ngô Minh Hằng
12.5.1979
 
 
NGƯỜI CẢI TẠO
 

Đoàn người lặng lẽ cuốc, đào, khiêng
Lũ ngợm súng ghìm, đứng kế bên
Trăm ngọn roi thù lao vút xuống
Ngàn lời nói độc chất chồng lên
Mồ hôi pha với niềm cay oán
Nước mắt hòa chung nỗi hận phiền ...
Chẳng một ai mà không biết họ,
Ấy, NGƯỜI BUÔNG SÚNG NHẬN OAN KHIÊN !
 
 
Ngô Minh Hằng
4.3.1978
 
 
ĐÁM MA TÙ
(Viết để tưởng niệm những Chiến sĩ VN. anh hùng, can đảm nhận
trách nhiệm của bậc sĩ phu khi Tổ Quốc hưng vong và đã bỏ mình
trong các trại lao tù CS.)
 

Vài tên cầm súng bước đi đầu
Tên nữa AK. tiếp phía sau
Một xác bó tròn đôi mảnh chiếu
Hai đầu buộc tréo bốn dây lau
Không kèn, không trống, không đưa tiễn
Chẳng khói, chẳng nhang, chẳng nguyện cầu
Chỉ có bạn tù khiêng lặng lẽ
Và hồn sông núi bước theo sau !!!
 
 
Ngô Minh Hằng
2.10.1979
 
 

GỞI QUÀ
(Tặng những người vợ hiền sau 1975)
 
 
Đây là chai thuốc cảm
Anh bảo trọng lấy mình
Đây là lọ dầu xanh
Anh để dành cạo gió
 *
Đây vài bì thư nhỏ
Nếu được phép viết về
Đây là lọ muối mè
Để ăn cùng bột luộc
 *
Đây là chai mắm ruốc
Để chấm với đọt mì
Muốn gởi chút thuốc rê
Để đôi khi anh hút
 *
Nhưng hôm qua, buổi họp
Cán bộ bảo rằng không
Các anh là ngụy quân
Thuốc rê : đồ xa xỉ !
 *
Đây là thuốc bao tử
Để uống khi bịnh hành
Trong mọi nỗi khó khăn
Chắc là anh cần lắm
 *
Đây cây lược em sắm
Chắc anh chẳng cần đâu
Vì em biết từ lâu
Tóc anh nhiều đợt rụng
 *
Đây là thuốc đau bụng
Để phòng khi chưa quen
Khoai, sắn, bột, nước phèn
Trong những lần chuyển trại
 *
Bộ "trây di" nhuộm lại
Em gởi kèm theo đây
Anh mặc lúc heo may
Giãi dầu khi lao động
 *
Thương anh chiều gió lộng
Xót anh đêm mưa dầm
Khổ nhục bấy nhiêu năm
Đời tù lao đói lạnh
 
Vắng anh, nhà cô quạnh
Con thường khóc đòi cha
Chiều tựa cửa, Mẹ già
Nhìn chim bay về tổ
 *
Vai gầy rung trong gió
Nhớ con mắt lệ đầy
Em xuôi ngược từng ngày
Nuôi đàn con bốn đứa
 *
Ráng chắt chiu từng bữa
Gói ghém gởi cho anh
Kèm theo một khối tình
Tâm tư người vợ trẻ
 *
Dù cách chia anh nhé
Xin hãy vững lòng tin
Dù đá nổi, lông chìm
Lòng em không thay đổi
 *
Và những khi trời tối
Là lúc sắp bình minh
Luật tạo hóa công bình
Sẽ phạt người tội ác !
 *
Gởi anh này khúc hát
Ngày mình mới quen nhau
Và những lời ca dao
Mẹ thường ru anh ngủ
 *
Con gởi anh nỗi nhớ
Em gởi anh niềm thương
Mong anh thêm can trường
Mong anh thêm nghị lực
 *
Nén đi điều uất ức
Để chờ đợi ngày mai
Qua một cơn mưa dài
Ắt là trời lại sáng !
 *
Nước non ta hùng tráng
Sẽ thật sự thanh bình
Dân chúng hết điêu linh
Hưởng tự do hạnh phúc
 *
Cộng quân, loài thú độc
Dùng sách lược vô nhân
Làm mất hết lòng dân
Sẽ tự tiêu, tự diệt !
 
 
Ngô Minh Hằng
6.12.1978

NỖI NIỀM
(Cho một cuộc tình đầy nước mắt)
 

Hơn bốn năm rồi ta xa nhau
Đôi hồn đôi cảnh ngẩn ngơ sầu
Cùng chung một tiếng lòng nức nở :
"Trời có cao chăng ? Đất có sâu ???"
*
Cứ tưởng xa nhau chỉ ít ngày
Nào ngờ biền biệt bốn năm nay
Anh đi đất lạ trời quen đó
Sống cảnh chim lồng cá chậu đây !
*
Em ở lại nhà nuôi bốn con
Hai vai gánh nặng chữ vuông tròn
Chăn đơn gối chiếc hoen màu lệ
Má thắm phai hồng môi nhạt son !
*
Rau cháo cho nên hóa lạnh lùng
Họ hàng thân tộc thảy quay lưng
Đàn con trứng nước thơ ngây quá
Cám cảnh bơ vơ, xót nỗi chồng !
*
Nước mất nhà tan lắm phũ phàng
Cũng liều thử thách với thời gian
Bốn năm cay đắng trần ai ấy
Không lửa tìm đâu thấy tuổi vàng !
 
 
Ngô Minh Hằng
31.7.1979
 
 

GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG
 

Hôm nay được lệnh gởi cho chồng
Ba ký quà khô, của quí Đông
Một nách nuôi đàn con bốn đứa
Khoai mì sáng có, bữa chiều không
*
Đứng, ngồi, nhìn trước lại nhìn sau
Xem có còn chi bán được nào
Tủ lạnh, honda, giường, ghế, tủ
Tivi, cassette, bán từ lâu !
*
À, còn dăm chiếc áo dài soie
Bán bới đi, mua lấy chút quà
Ta gởi cho chồng đang học tập
Để cho lòng ấm kẻ phương xa
*
Sắm sửa vừa xong một buổi chiều
Chút đường, chút đậu, chút hồ tiêu
Mắm kho đặc quánh lưng lưng chén
Của ít mà nghe nghĩa rất nhiều !
*
Gói ghém xong xuôi vội vã đi
Từ trong bưu điện đến bên lề
Người đông như thể ngày vui lớn
Chờ đợi tên mình được gọi, ghi
*
Giữa đám người đông chợt chạnh lòng
Ván cờ chung cuộc thảm tình không ?
Thân trai chốc để lòng ôm hận
Đành đoạn vương mang, tủi má hồng !
 
 
Ngô Minh Hằng
15.6.1976
 
 
ĐẮNG CAY
 

Từ ngày anh bước chân đi
Em lau nước mắt trở về nuôi con
Hẹn nhau mười bữa vuông tròn
Mà năm mốt tháng vẫn còn chờ nhau !
Em chờ một trận mưa Ngâu
Để Ngưu với Chức đẹp câu ước thề
Hỡi ơi, sự thực não nề
Năm mươi mốt tháng lòng tê tái lòng !
Năm mươi mốt tháng long đong
Một mình đối phó việc trong việc ngoài
Miệng cười, nhưng mắt nhòa cay
Nghiến răng nuốt mối hận này vào tim !
Người ta không để mình yên
Người ta làm đảo làm điên đời mình !
Người ta làm tội làm tình
Chia uyên rẽ thúy, cắt tình cha con
Miệng người vẫn ngọt, vẫn ngon
Mà em phải ngậm bồ hòn làm vui
Trăm nghìn nỗi khổ anh ơi
Từng đêm ngấn lệ hết vơi lại đầy
Mỗi ngày thêm một đắng cay
Mỗi ngày thắt chặt thêm dây nghiệt ngòi
Nhìn con thôi lại nhìn đời
Nhìn con thấy xót, nhìn đời thấy thương !
Năm mươi mốt tháng căm hờn
Năm mươi mốt tháng đoạn đường chông gai
Anh thân tù ngục đọa đày
Đàn con trứng nước lạc loài vắng cha
Còn em, chút phận đàn bà
Đắng cay nước mất , xót xa chồng tù !
 
 
Ngô Minh Hằng
16.8.1979
 

From: dslamvien@gmail.com
Reply-to: PhungSuXaHoi@googlegroups.com
To: PhungSuXaHoi@googlegroups.com
Sent: 4/15/2019 10:37:07 AM Central Standard Time
Subject: Re: [PSXH] Chờ một lời giải thích về sự thay tựa đề và tên tác giả của thi phẩm TÙ CẢI TẠO

Kính thưa quý vị,
 
Đặc San Lâm Viên (ĐSLV) vừa nhận được thư của tác giả Trần Nhật Kim giải thích về bài thơ (nay được biết là "Đám ma tù" của thi sĩ Ngô Minh Hằng) trong bài viết của ông gửi đăng trên ĐSLV. Chúng tôi đã được sự đồng ý của ông để đăng lên đây cho quý vị tường.
 
Thưa ông Huu Nguyen,
 
Ngày 15-4-2019
 
Tôi đã đọc bản thắc mắc của ông.  Xin trả lời những câu hỏi ông nêu ra:
 
1- Tôi không phải là tác giả “bài thơ Tù…” ghi trong bài viết “Ký ức một thời tù cải tạo” đã đăng trên diễn đàn.  Tôi cũng không biết tên tác giả cũng như đầu đề của bài thơ.  Vào lúc nghe bài thơ này, không ai biết tên tác giả, nhưng thấy bài thơ rất hay, đã diễn tả đúng số phận những người tù cải tạo miền Nam, nên bài thơ đã được truyền đi, do đó, tôi đã ghi lại bài thơ trên như môt lời truyền khẩu.  Như một số bài thơ, bài ca sáng tác trong tù đã khơi dậy lòng đấu tranh bất khuất nên được truyền nhau hát.  Chúng tôi không biết tác giả là ai, vì luôn bị theo rõi.
 
2-  Khi gửi bài đăng trên Đặc san Lâm viên, tôi chỉ ghi tên tại cuối bài viết như thông lệ.
 
3-  Như nhà thơ Ngô Minh Hằng cho hay bà là tác giả của bài thơ trên, xin cám ơn nhà thơ, điều này đã giải tỏa thắc mắc của tôi về xuất xứ của bài thơ trong thời gian qua.  
 
Khi viết về các “kinh nghiệm tù đầy”, vì vốn không phải là “nhà văn”, nên nhìn sự việc theo chủ quan của mình, nhưng chỉ mong ghi lại như một kỷ niệm đen tối của một thời đã qua, đã hằn sâu cả về thể xác lẫn tâm hồn của tù cải tạo miền Nam. 
 
Xin cảm ơn ông Huu Nguyên đã đưa ra thắc mắc trên.  Hy vọng những câu trả lời của tôi đã đáp ứng được những thắc mắc này.
 
Chúc quý vị vui khỏe, hạnh phúc.  Mọi việc hanh thông.
 
Trần Nhật Kim 
 
Chúc quý vị an lành,
 
Ban Biên Tập Đặc San Lâm Viên


On Friday, April 12, 2019 at 12:24:40 PM UTC-7, NMH wrote:
Thưa Qúy vị,
 
Trong tinh thần cao đẹp của văn thơ, tôi nghĩ Thi sĩ Nguyễn Đạt nói rất phải.  Về sự thay đổi tên bài thơ và cả tên tác giả của bài ĐÁM MA TÙ, tôi đã xin thông báo và mong có một lời giải thích của Thi sĩ Trần Nhật Kim hoặc của người đưa bài thơ TÙ CẢI TẠO lên diễn đàn là ông Patrick Willay.
 
Khi chưa nhận được lời giải thích, tôi chưa thể xem là "Chuyện nầy đã minh bạch xong rồi" như Thi sĩ Đinh Tường viết trong thư.
 
Rất có thể đây là một sự nhầm lẫn vô tình, nhưng tôi, Ngô Minh Hằng tác giả của bài thơ ấy rất mong được Thi sĩ  Trần Nhật Kim hoặc ông Patrick Willay là người phổ biến bài thơ cho một lời giải thích.

Trân trọng,
Ngô Minh Hằng
 

From: PhungS...@googlegroups.com
To: PhungS...@googlegroups.com
Sent: 4/12/2019 11:22:59 AM Central Standard Time
Subject: Fw: [PSXH] XIN THÔNG BÁO VỀ MỘT SỰ LẦM LẪN của thi phẩm TÙ CẢI TẠO với tên tác giả là TRẦN NHẬT KIM
Thưa quý vị,
Chuyện nầy đã minh bạch xong rồi, cũng nên cho thông qua.
Vì theo tôi nghĩ trên Net từ trước tới nay cũng xảy ra rất nhiều chuyện ngộ nhận "râu ông nầy cắm cằm ba kia" do không rõ nguồn hoài chứ gì.
 
----- Forwarded Message -----
From: Dat Nguyen <dongdt...@gmail.com>
Sent: Friday, April 12, 2019, 9:47:46 AM EDT
Subject: Re: [PSXH] XIN THÔNG BÁO VỀ MỘT SỰ LẦM LẪN của thi phẩm TÙ CẢI TẠO với tên tác giả là TRẦN NHẬT KIM
 
Cần nhất là tác giả Trần Nhật Kim lên tiếng để giải thích về sự việc này . Hoặc ông Patrick Willay là người chuyển bài .
 
Chứ Thi sĩ Đinh Tường chỉ là người hoạ thơ .
 
Nguyễn Đạt

On Thu, Apr 11, 2019 at 8:23 PM nmh5475 via Phụng Sự Xã Hội <PhungS...@googlegroups.com > wrote:
Chân thành xin lỗi Thi sĩ Đinh Tường vì tôi đã viết sai, thêm DẤU NẶNG vào chữ ĐINH, tên Thi sĩ.
 
Ngô Minh Hằng

From: PhungS...@googlegroups.com
To: PhungS...@googlegroups.com
Cc: dondun...@yahoo.com, pwi...@orange.fr
Sent: 4/11/2019 9:52:35 PM Central Standard Time
Subject: Re: [PSXH] XIN THÔNG BÁO VỀ MỘT SỰ LẦM LẪN của thi phẩm TÙ CẢI TẠO với tên tác giả là TRẦN NHẬT KIM

Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả đích thật của bài thơ Đám Ma Tù.
Tôi chỉ họa vần bài thơ thôi, thật sự tôi thấy bài thơ đi liền theo bài viết của tác giả Trần Nhật Kim (như subject) nên tôi nghĩ đó là chính tác giả (của bài thơ). Không nghĩ đó là có sự ghép bài thơ vào bài viết mà không có chú thích rõ ràng.
Một lần nữa, xin thành thật cáo lỗi cùng thi sĩ Nmh. Do ngộ nhận.
PS: Tôi họ Đinh tên Tường, không phải họ Định.
 
On Thursday, April 11, 2019, 10:27:50 PM EDT, nmh5475 via Phụng Sự Xã Hội <PhungS...@googlegroups.com > wrote:
 
 
 
Thưa Qúy Vị, Ông Patrick Willay và thi sĩ Định Tường 
 
Bài thơ "Tù Cải Tạo" Ông Patrick Willay gởi lên Diễn Đàn Phụng Sự Xã Hội với tên tác giả là Trần Nhật Kim, sau đó Thi sĩ Định Tường chuyển lại kèm theo bài họa cùng tên.  Xin ông Patrick Willay xem lại nguyên thủy bài thơ giúp cho, bởi căn cứ theo nội dung và ngôn từ của toàn bài thì Nmh e đây là sự lầm lẫn về tựa đề của bài thơ và tên tác giả.
 
Bài thơ này tên là "ĐÁM MA TÙ" và tác giả là Ngô Minh Hằng. Bài thơ ra đời ngày 2/10/1979 và đã được in trong trang 44 của thi tập GỌI ĐÀN xuất bản năm 1998:
 

 Sau đó, Nmh có sửa lại, thay câu thứ tám là "Và hồn sông núi bước theo sau !!!"
 
Bài ĐÁM MA TÙ cũng đã hân hạnh được một số bạn thơ hoạ lại. Mới đây, ngày 7/4/2019 Nmh có nhận được thêm bài họa của người Bạn thơ là thi sĩ Lê Hữu Nghĩa.
 
Đa tạ và Trân trọng,
 
Ngô Minh Hằng
 

No comments:

Post a Comment