Monday, February 27, 2017

Kịch Thơ: TRỐNG MÊ LINH Màn 2/4

   Kịch Thơ: TRỐNG MÊ LINH





Sơ lược :

Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của quan Lạc tướng huyện Mê Linh và bà Man Thiện,  tư chất thông minh, nhân hậu, đầy lòng yêu dân, yêu nước.

Năm 34, nhà Hán cử Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định tham lam, tàn ác, bắt dân lên rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, lòng người oán hận.  Thi Sách lúc bấy giờ là lịnh huyện Châu Diên, con trai quan Lạc tướng và là chồng bà Trưng Trắc đã  nhiều lần khuyên can Tô Định. Tô Định  không nghe, bắt Thi Sách giết đi. (năm 39)

Tô Định ngày càng tàn bạo và dân chúng ngày càng cơ cực lầm  than.  Trưng Trắc quyết trả thù nhà, nợ nước.  Năm 40, Bà cùng em gái là Trưng Nhị dấy binh khởi nghĩa. Dân chúng khắp nơi hưởng ứng theo hai bà đánh quân Nam Hán. Tô Định thua phải chạy về Tàu. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam và lên ngôi vua, xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh dựng nền độc lập, tự chủ cho nước nhà.
















TRỐNG MÊ LINH

Màn 2 / 4

Màn mở.  Cảnh hoa viên đêm trăng nhạt, hoa lá như thiếp ngủ dưới trăng.  Ở góc vườn, một bộ bàn ghế đơn sơ, cô tịch. Trưng Trắc đứng dưới một giàn hoa, đưa mắt nhìn quanh buồn bã rồi cất giọng xót xa:


- Đau xót qúa, tâm hồn ta tê tái
Hỡi quê hương yêu dấu của ta ơi
Nghe dân than ta đau khổ từng lời
Gươm chính khí mong trừ quân bạo tặc
Mộng chưa đạt cuộc an bình xã tắc
Thì thù nhà thêm nặng trái tim ta
Hỡi hồn thiêng tổ quốc, hỡi sơn hà
Xin phù hộ cho hoàn thành đại cuộc
Xin giúp ta thêm kiên cường, đảm lược
Đập tan bày tàn bạo, cứu non sông


Bà ngước mắt nhìn lên bầu trời mênh mông, hai tay chắp trước ngực:


- Chàng ơi tình nghĩa vợ chồng
Bao năm gắn bó mặn nồng đôi ta
Đã cùng nguyện với sơn hà
Đuổi quân xâm lược, giữ nhà, cứu dân
Én đang vẫy gọi mùa xuân
Đuốc thiêng đang đợi lửa thần khai hoa
Kiếm cung vừa mới xông pha
Giặc kia đã rẽ chia ta muôn trùng
Tiếc chàng, một đấng anh hùng
Ngậm ngùi thương mộng kiếm cung bẽ bàng
Chàng nay ở dưới suối vàng
Lòng chưa vui chuyện giang san nước nhà
Thiếp xin tiếp bước đường xa
Thù nhà thiếp liệu, sơn hà thiếp lo
Trên đường quang phục cam go
Hồn thiêng chàng hãy giúp cho đạt thành
Trước bày Hán tặc vuốt nanh
Thành hay bại cũng thơm danh liễu đào

 Bà bước thêm vài bước đến bên một chậu hoa, đưa mắt ưu tư nhìn cảnh vật một giây rồi thở dài, đưa tay nâng nhẹ chùm hoa, nhẹ lắc đầu ai oán:

- Vầng trăng lạnh chiếu lên chùm hoa nhỏ
In xuống thềm một bóng quá cô đơn
Trăng hỡi, tim ta sôi sục căm hờn
Và hoa hỡi, lòng ta đau đớn lắm...

Trưng Trắc ngửa hai bàn tay đưa ra và ngước nhìn trời cao :

- Trăng vẫn long lanh tỏa vàng sợi thắm
Hoa vẫn xinh tươi nở những nụ đào
Nhưng quê hương này đen tối làm sao
Trăng không đẹp, hoa nhạt nhoà hương sắc
Tất cả tan hoang trong bàn tay giặc
Dân tộc tang thương, tổ quốc đau vùi
Khắp nước lầm than tôi mọi kiếp người
Hạnh phúc ấm no chỉ là ảo mộng
Ta sẽ vì quê diệt quân tàn độc
Và vì chàng, làm rạng gái Mê Linh ....

Trưng Nhị trong võ phục tiến ra tay cầm chiếc áo choàng,  nhẹ nhàng choàng lên vai Trưng Trắc rồi cầm tay chị với tất cả thương yêu:

- Ồ...chị ở đây vắng vẻ một mình
Em tìm chị thư phòng mà không thấy
Sương đã xuống, trời bắt đầu lạnh đấy
Chị uống trà không, em sẽ đem ra

Trưng Trắc nhẹ khoát tay từ chối. Trưng Nhị chỉ chiếc bàn:

-  Hay ta ngồi kia một chút chị nha
Một dịp tốt chị em mình tâm sự

 Trưng Trắc gật nhẹ rồi cùng Trưng Nhị song song tiến lại phía chiếc bàn.  Chờ Trưng Trắc an vị,  Trưng Nhị cầm tay chị ân cần:

- Em thấy chị suốt ngày đêm tư lự
Thương chị nhiều em ray rứt làm sao
Chị em ta cùng chia giọt máu đào
Em muốn cùng chia đau thương hận tủi

Trưng Trắc nhìn em gái, bà ve vuốt bàn tay em, mỉm cười,  tâm sự:

- Chị cảm ơn em... những lời an ủi
Như nắng xuân tươi ấm cội mai vàng
Đúng, chị buồn vì dân tộc giang san
Đang chìm đắm bởi giặc Tàu xâm lược
Tô Định dã man, tham tàn, bạo ngược
Đày đọa dân mình khổ quá em ơi
Giành với thú rừng từng chiếc ngà voi
Tranh với kình ngư những viên ngọc biển
Chị căm hận và xót xa thương tiếc
Đức lang quân chết thảm bởi quân thù
Chúng không màng lời phân giải ôn nhu
Còn tàn nhẫn giết đi người yêu nước
Chị em ta dòng anh thư đảm lược
Yêu quê hương nào kém bậc anh hùng
Chị mong em cùng rửa mối thù chung
Đứng với chị ta dựng cờ khởi nghĩa
Ta sẽ chọn nơi này làm khởi địa
Ngân tiếng vàng muôn thuở Trống Mê Linh


Trưng Nhị nhiệt thành:

- Cứu nước chị ơi, là bổn phận mình
Bên cạnh chị, em xin cùng góp sức

Trưng Nhị đứng lên với hào khí một dũng tướng :

- Nhìn dân tộc bị quân Tàu áp bức
Hận thù này em đâu thể làm ngơ
Nhìn chị đau, lòng em nát từng giờ
Nên vẫn đợi một ngày vung kiếm báu
Em đã quyết và sẵn sàng chiến đấu
Không ngại nguy nàn vì nước vì dân
Bên chị em mình, còn có Lê Chân
Có Thánh Thiên và Thục Nương hiệp lực

Trưng Trắc gật đầu:

-  Em nói phải, họ, những người tâm phúc

Trưng Nhị cười với chị và đưa tay về phía cổng hoa viên:

- Lê Chân ngoài kia, chị muốn vời vào ?
Nhân tiện, xem nàng tỏ ý ra sao...

Trưng Trắc gật đầu:

- Ồ, rất tốt, mời Lê Chân gặp chị

Trưng Nhị nhanh nhẹn đi ra phía cổng hoa viên. Trưng Trắc đứng lên theo sau em vài bước rồi đứng nhìn theo gật đầu hài lòng nhưng vẫn mang vẻ trầm tư suy nghĩ.  Chợt nhìn thấy chùm hoa, bà đưa tay nâng niu nhè nhẹ.

 Lê Chân cũng trong võ phục theo Trưng Nhị bước vào và chắp tay thi lễ. Trưng Trắc nhìn Lê Chân mỉm cười và đưa tay chào đón:

-  Em đấy ư ? ôi, một đêm tuyệt mỹ
Ta có điều này muốn hỏi Lê Chân
Tô Định tham tàn, bức hiếp muôn dân
Khắp trong nước, oán hờn vang sông núi
Chúng ta ngồi yên nhìn đời hận tủi
Hay đứng lên để cứu nước dân nhà
Mà đứng lên thì dân có cùng ta
Quyết chiến đấu để dành quyền tự chủ
Hay sợ hãi mà cầu sinh úy tử
Em thấy thế nào nói hết ta nghe ...

Lê Chân chắp tay cung kính trả lời:

- Thưa Nương Nương tin khắp nẻo đưa về
Thì Tô Định làm muôn lòng ai oán
Phố thị nghênh ngang giặc Tàu nhiễu loạn
Vơ vét bạc tiền, đánh giết lương dân
Chốn thôn quê càng khổ sở bội phần
Sưu thuế nặng và người thành nô dịch
Dân chỉ biết cúi đầu mà tuân lịnh
Bởi không tuân mất mạng đã bao người
Tình cảnh này ta phải cứu dân thôi
Phải đứng dậy diệt trừ quân bạo ngược
Ta phải lấy về chủ quyền đất nước
Nước của ta, Tàu phải rút về Tàu
Thưa Nương Nương, dân đã quá hờn đau
Nước đã đầy và bờ thì sắp vỡ
Họ đang mong một bình minh rạng rỡ
Và sẵn lòng góp sức cứu non sông

Trưng Nhị gật đầu:

- Tốt,
Vì lòng dân là sức mạnh vô song
Một xúc tác tuyệt vời trong chiến đấu
Dân đã đau thương vì bày thảo khấu
Đã triền miên trong nô lệ đọa đày
Họ đang mong liên kết những bàn tay
Cuộc cách mạng họ cần người lãnh đạo
Phải giúp họ đứng lên đòi cơm áo
Đòi tự do hạnh phúc của con người
Hợp với lòng dân là thuận ý trời
Việc làm phải thì muôn dân sẽ phục

Lê Chân:

- Ta kêu gọi toàn dân ta hiệp lực
Đứng dưới cờ nương tử chống xâm lăng
Thì gian tham, bạo lực phải san bằng
Nước sẽ thoát cảnh giặc Tàu cai trị
Vũ khí thô sơ nhưng ta quyết chí 
Mộ quân binh khắp nước kể từ nay
Thanh nữ thanh niên tập luyện đêm ngày
Niên thiếu, cụ già giữ kho lương thực
Phải chịu đựng một thời gian cơ cực
Có gian nan thắng lợi mới hào hùng ...

Trưng Nhị gât đầu đồng ý:

Đúng ...
Mới tự hào nhìn đất nước non sông
Và hãnh diện chen vai cùng thế giới
Đã đến lúc dân tộc mình quật khởi
Dự trình kia ta cứ thế tiến hành
Tô Định tuy rằng lắm vuốt nhiều nanh
Nhưng đắm đuối trong bạc tiền sắc dục
Trên xuống dưới chỉ ngày đêm ra sức
Ăn cho ngon và vơ vét cho đầy
Ta thấy thành công nắm ở trong tay
Nếu ta có dân, có lòng, có chí.

Trưng Trắ́c cầm tay Lê Chân và Trưng Nhị vui mừng:

- Ôi, các em nói những lời chí lý
Xin cảm ơn Trời đã cứu dân ta
Bắt đầu mau, nối kết khắp sơn hà
Mọi tầng lớp, những nhân tài hào kiệt
Bọn xâm lăng sẽ ôm nhau mà chết
Cho ngày tàn của một lũ vô lương
Dân Việt rồi đây lấy lại quê hương
Và sống an bình tự do hạnh phúc ...
Lấy chính nghĩa ta đập tan bạo lực
Đòi chủ quyền, đòi sông núi, quê hương
Nào có nề chi dấn bước sa trường
Vì hận nước, thù nhà ta quyết chiến !

Trưng Nhị và Lê Chân đồng thanh:  Quyết chiến !!! Quyết chiến !!!

Màn hạ.
Hết màn hai

Ngô Minh Hằng

 - Tác giả hoan nghinh mọi phổ biến và trình diễn vở kịch thơ Trống Mê Linh.  Yêu cầu  không sửa đổi bất cứ chữ hay đoạn nào của vở kịch. Mọi trích dịch xin ghi rõ xuất xứ và tên tác giả. 



No comments:

Post a Comment